"Chết là thường. Chết trong lúc còn sống là điều nhục nhã...". Đó là triết lý mà Nam Cao đem vào tác phẩm Sống mòn của mình. Trong tác phẩm kinh điển của mình, tác giả tạo ra một tấn bi kịch tinh thần của tầng lớp trí thức – tiểu tư sản nghèo trong xã hội cũ. Họ là những người có ý thức rất cao về nhân phẩm và danh dự, có khát vọng - hoài bão văn chương lớn lao nhưng lại quẩn quanh bên gánh nặng cơm áo gạo tiền, bóp nghẹt sự sống. Thuộc trường phái hiện thực, cuốn tiểu thuyết khắc họa mảnh đời bị bóp méo bởi khó khăn trong cuộc sống mưu sinh. Sâu sắc hơn, Sống mòn chất chứa những suy nghĩ, trăn trở, ưu tư của Nam Cao về cách sống, về lối viết và nhiệm vụ của những người cầm bút – như ông từng viết “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”.