Nam Cao là một tác giả truyện ngắn bậc thầy, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn trong lịch sử văn học dân tộc. Sự nghiệp văn chương của ông có thể chia làm 2 thời kỳ rõ nét: Trước cách mạng và sau cách mạng. Nếu như trước Cách mạng Nam Cao nổi bật với những truyện ngắn hiện thực phê phán thì sau Cách mạng tháng Tám ngòi bút Nam Cao hoạt động với tư cách ngòi bút của một cán bộ làm báo, làm văn. Ngoài viết văn, ông còn viết tin, làm ca dao, soạn kịch ngắn tuyên truyền, viết hoặc dịch sách phổ thông về địa lý, lịch sử, thời sự. Ông coi đó là “những công việc nhũn nhặn, thầm lặng nhưng có ích”. Trong mảng sáng tác sau cách mạng, Nam Cao đã để lại nhiều sáng tác có giá trị đặc sắc và tiêu biểu cho văn xuôi kháng chiến thời kỳ đầu.
Truyện ngắn Đôi Mắt (1948) là một truyện ngắn thành công nhất của Nam Cao trong thời kỳ này. Trong truyện, thông qua việc xây dựng hình tượng hai nhà văn: Hoàng và Độ với hai lối sống, hai sự nhìn nhận về người nông dân, về kháng chiến trái ngược nhau, Nam Cao đã khái quát lên một vấn đề có ý nghĩa sâu sắc, không chỉ có ý nghĩa với tình hình thực tế lúc đó mà hiện nay “cách nhìn cuộc sống” đặt ra trong truyện ngắn của Nam Cao vẫn khiến chúng ta phải suy nghĩ, chiêm nghiệm.