Các bạn thân mến, trong Ng-Âm Thơ số thứ tư ngày hôm nay, xin mời các bạn cùng lắng nghe bài thơ "Chân dung" của nhà thơ Du Tử Lê.
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sinh năm 1942 tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, và mất vào tháng 10 năm 2019 tại nhà riêng ở Garden Glove, California, Hoa Kì. Năm 1956, ông vào Sài Gòn theo học trường Trần Lục, trường Chu Văn An và sau cùng là Đại học Văn Khoa. Ông là tác giả của hơn 70 tập thơ và văn xuôi, hơn 300 bài thơ trong số đó đã được phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng và được nhiều thế hệ yêu thích, như "Khúc thụy du" của nhạc sĩ Anh Bằng, "Đêm nhớ trăng Sài Gòn" của nhạc sĩ Phạm Đình Chương, "Trên ngọn tình sầu" của nhạc sĩ Từ Công Phụng… Du Tử Lê cũng là một trong số những thi sĩ Việt Nam có những thành tựu nhất định trên văn đàn quốc tế, là một trong số hiếm hoi các nhà văn châu Á có tác phẩm đăng trên Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994).
Được nhiều người gọi là ông hoàng thơ tình, nhưng Du Tử Lê không chỉ có thơ tình. Đến với thơ Du Tử Lê là đến với những cảm xúc thế sự và nỗi hoài nhớ cố hương. Nhà thơ là người ngồi-trong-cõi-nhân-gian, để rồi quanh quẩn với nỗi riêng một mình. Thơ ông không chỉ có "tôi - em," mà còn có "tôi - quê hương," những vết thương, những cái chết. Có bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu trăn trở, ông trút hết cho thơ. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều từng nhận xét, "khi nói về thi ca là lúc [Du Tử Lê] không bao giờ do dự, là lúc ông sẵn sàng dấn thân cho dù con đường ấy đầy chông gai và cả thù hận."
Sau đây xin mời các bạn lắng nghe bài thơ "Chân dung" của nhà thơ Du Tử Lê, do Hoạ sĩ/Nghệ sĩ Nguyễn Ngọc Dân diễn ngâm, Nghệ sĩ Nhân dân Đoàn Thanh Bình ngâm dẫn, Nghệ sĩ Lại Thanh Minh phối khí.
1900545482 nhánh 5
Tổng đài tư vấn miễn phí
(8:00 AM - 22:00 PM)
Quét mã QR để cài APP